Giải mã các cụm từ lạ khi nghe tiếng Anh

Giải mã các cụm từ lạ khi nghe tiếng Anh

Nghe được câu “We would die for this food in prison” trong một bộ phim, mình phải đoán nghĩa rồi kiểm tra từ điển.

Hôm trước xem phim tiếng Anh, mình thấy có dòng hội thoại: “We would die for this food in prison”. Cô này ở tù một thời gian, giờ ra ngoài và đi làm giúp việc cho một gia đình Mỹ.

Mình thoáng giật mình. Như vậy là “food” (thức ăn) tốt hay xấu? Cụm “die for” mình nhớ đã gặp từ hồi học tiếng Anh ở phổ thông, nhưng nghe thì có lẽ đây là lần đầu tiên. Nhưng qua bối cảnh, mình nghiệm ngay ra, chắc hẳn đây phải là nghĩa tốt, lý do là sau khi nói xong thì nhân vật chính “vơ vét” luôn hết đống đồ ăn.

Mình đoán, “die for the food” chắc hẳn mang nghĩa là người ta sẵn sàng vì đồ ăn kiểu như vậy mà hy sinh. Có nghĩa là cái đồ ăn này tuyệt vời quá.

Kiểm tra từ điển thì thấy đúng như vậy.

Giải mã nghĩa của từ/ cụm từ là một trong những kỹ năng quan trọng khi nghe tiếng Anh. Đối với nhiều người, chỉ cần nghe được thành một câu: “We would die for this food in prison” đã là một thành công lớn rồi.

Nhưng nghe được từ khóa và câu sẽ chẳng có ý nghĩa nhiều lắm nếu bạn không hiểu hoặc hiểu sai. Ví dụ, nếu bạn hiểu “die for this food” có nghĩa là “chết vì thức ăn này”, bạn sẽ hiểu sai hoàn toàn ý người nói.

“Die for” là một “phrasal verb” có nghĩa là “rất thích”. Nó khác nghĩa hoàn toàn với cụm “die of”, nghĩa là chết vì cái gì đó.

Khi nghe tiếng Anh, phát âm tốt sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc “bắt từ”, nhưng sau khi bắt được, bạn cần phải giải nghĩa chính xác từ đó. Việc giải nghĩa nhầm là phổ biến, quan trọng nhất là bạn phải học được từ những sai lầm đó để lần sau không mắc phải sai lầm tương tự.

Ví dụ một lần khi vừa lái xe, vừa nghe đài về lực lượng lao động ở Mỹ trong đại dịch. mình nghe người nói bàn về sự khan hiếm nguồn nhân lực để phục hồi kinh tế. Phần này có đoạn: “A lot of people have been punching in for work right now”.

Mình nghe “punch in for work” và dựa trên bối cảnh thì đoán cụm này nghĩa là: “nhiều người đang cố gắng xin việc”. Lý do là từ “punch” có nghĩa là đấm, làm mình liên tưởng tới việc “cào cấu để xin việc”. Mình lưu ý trong đầu để kiểm tra lại sau.

Nhưng khi về nhà kiểm tra lại, “punch in for work” có nghĩa là “điểm danh khi làm việc”, hay nói cách khác là đi làm. “Punch” trong hoàn cảnh này có nghĩa là “bấm thẻ” để điểm danh (bây giờ quẹt thẻ rồi, mà người ta vẫn dùng từ cũ). Cả đoạn có nghĩa là “mặc dù nguồn lực đang khan hiếm, nhiều người Mỹ vẫn đi làm chăm chỉ”. Hóa ra là vậy!

Kể thêm một chuyện nữa, hồi còn ở Mỹ, nhóc nhà mình chơi với một bạn gái tên Lilly, tương đối hiếu động. Một lần nói chuyện với mẹ Lilly, cô ấy bảo: “She runs all the time, if I could bottle her energy, that’d be good”.

Mình nghe tiếng đục tiếng trong, “bottle” rồi “energy”, nghĩ là cô ấy nói gì đó về “energy drink”, nên trả lời một câu chẳng ăn khớp gì. Đến lúc cô ấy nói lại mới hiểu ý là “nếu cái năng lượng đó mà đóng chai được thì tốt”. Như vậy thì con gái sẽ đỡ nghịch.

Trong nghe tiếng Anh, thông thường bạn sẽ chỉ có khoảng 2-3 giây tối đa để hiểu nghĩa của người nói, nếu không bạn sẽ mất thông tin (khi nghe đài chẳng hạn) hoặc khiến cuộc nói chuyện trở nên mất tự nhiên.

Để nghe tốt, bạn cần phải nghe được từ khóa một cách tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, bước tiếp theo là phải hiểu chính xác ý của người nói.

Để làm được việc này, bạn sẽ phải mắc lỗi rất nhiều lần, và học từ lỗi lầm của mình. Càng mắc nhiều lỗi và ghi nhớ, khả năng nghe của bạn càng tiến bộ. Do đó, cách duy nhất đảm bảo sự thành công trong khả năng nghe là phải hình thành thói quen nghe tiếng Anh 30-45 phút mỗi ngày. Khi nghe đều đặn, bạn sẽ được tiếp xúc với nhiều cách diễn đạt. Đây là cơ sở để bạn mắc lỗi và tiến lên phía trước.

Leave a Reply

Your email address will not be published.